Trang

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

7 món đồ chơi có sẵn trong nhà mọi đứa trẻ đều mê

Con bạn thường thích đòi cho bằng được một món đồ chơi nào đó rồi chỉ vài hôm sau, món đồ đẹp đẽ đó đã bị quẳng vào một xó quên lãng? Lại có những thứ khác khiến con chơi mê mải tháng ngày mà bố mẹ không hề để ý.

 

Thùng các-tông có thể là thứ đồ chơi khiến bé thích mê.
“Mẹ ơi, mẹ mua cái đó đi, con muốn cái đó, con muốn cái đó”. Đó là tiếng nài nỉ chúng ta thường thấy ở mọi nơi khi trẻ đang trong một cửa hàng bán đồ chơi hoặc khi thấy những hình ảnh quảng cáo đồ chơi trên truyền hình.

Câu trả lời của bạn ư, chắc chắn là không rồi. Con sẽ phải đợi đến sinh nhật, Noel, lúc nào con làm điều gì tốt hoặc lúc bố mẹ muốn khen thưởng. Vào lúc đó, cha mẹ sẽ đầu tư cho những món đồ chơi đã hứa với con mình.

Nhưng chúng sẽ chơi được bao lâu? Trước khi món đồ chơi mới kịp cũ đi một chút, chúng đã bị vứt vào đống đồ hiếm khi được chơi, vào hàng loạt giấc mơ bị quên lãng.

Nếu chúng ta thực sự nghĩ về những đồ chơi trẻ có thể dành thời gian “miệt mài” để chơi, liệu chúng ta có còn chạy theo những đồ chơi mơ ước của con nữa không?

Dưới đây là 7 thứ “đồ chơi” thú vị trẻ thích chơi hơn bất kì thứ đồ chơi nào:

1. Điều khiển ti vi

Các em bé sơ sinh có thể được “bao quanh” bởi rất nhiều đồ chơi kích thích xúc giác có âm thanh, hoặc đồ chơi màu đen và trắng để kích thích thị giác. Nhưng thật ngạc nhiên, đối với một đứa trẻ 5 tháng tuổi, vật đầu tiên mà chúng thích và mong muốn được chơi lại là một chiếc điều khiển ti vi. Một số bố mẹ đã cố gắng kiếm những chiếc điều khiển ti vi cũ để cho con chơi.

2. Thùng các tông

Đừng vội vứt bỏ những thùng các-tông không sử dụng đến. Thực tế, trẻ rất thích được chui vào trong những chiếc hộp và thỏa thích sáng tạo ra những trò chơi trong trí tưởng tượng.
3. Những chiếc túi
Tất cả bạn cần là:

- Một người bạn cùng chơi với trẻ.

- Một cái túi để cho chúng ngồi vào.

- Một trí tưởng tượng phong phú.

4.  Nước

Trẻ sẽ rất thích thú khi được đi biển, ở bể bơi, hồ bơi, trong bồn tắm, hay đơn giản là một thìa nước giả vờ làm… thuốc.

5. Ghế sofa mềm

Không gì có thể mang lại hào hứng cho trẻ hơn là một chiếc ghế sofa mềm. Trẻ có thể thích thú nhảy nhót trên nệm. Ngoài chức năng ngồi thì ghế sofa có thể biến thành một cái hang, cầu trượt, …

6.  Bạn bè cùng tuổi

Tại sao chúng ta có thể dễ dàng trông nom hơn 2 đứa trẻ hơn là chỉ một đứa. Bởi vì chúng có thể chơi cùng với nhau. Thật đặc biệt là môt căn phòng đầy đồ chơi không thể mang lại cho trẻ nhiều thích thú bằng một người bạn. Tuy nhiên, đồ chơi cũng đóng vai trò là đạo cụ trong những trò chơi của trẻ.  Chúng có thể cùng nhau chơi hàng giờ các trò chơi làm bố mẹ, bác sỹ khám bệnh, thủy thủ lái tàu…

7. Giấy

Đây là “đồ chơi” yêu thích của nhiều trẻ. Trẻ có thể ngồi chơi tập trung hàng giờ cùng với giấy để sáng tạo ra những thứ yêu thích mà không hề chú ý đến những thứ xung quanh. Hãy đưa cho trẻ những mẩu giấy màu sắc. Chắc chắn trẻ sẽ tỉ mẩn, bận rộn “mắc kẹt” vào những “dự án” tí hon của chính chúng.

Hướng dẫn cách làm vệ sinh đồ chơi cho bé yêu

Đồ chơi cho trẻ có thể là nguồn gây ra nhiều bệnh truyền nhiễm, vì vậy cần được thường xuyên giặt sạch, cọ rửa để loại bỏ những nguồn bệnh đó. Đồ chơi mới mua về cũng không nên cho bé chơi luôn mà cần được làm vệ sinh cẩn thận.
 


Thú nhồi bông nhỏ: bạn chỉ cần cho vào một chiếc túi giặt, hoặc vào trong vỏ gối ốm, cột chặt lại rồi giặt máy bằng chế độ giặt quần áo. Sau khi giặt xong bạn sấy hoặc phơi nắng cho khô. Lưu ý sử dụng loại xà phòng giặt chuyên dùng cho quần áo trẻ em, hoặc loại dành cho da nhạy cảm. Có thể dùng nước xả vải để giữ được độ mềm mại của lông thú.

Khi được giặt nhiều lần, các chi tiết nhỏ làm bằng nhựa như mắt, mũi... của các con thú bông thường dễ dàng bong ra, bạn hãy kiểm tra để đảm bảo chúng được gắn chắc chắn, đề phòng bé nuốt phải.

Thú nhồi bông lớn: nếu không thể giặt bằng máy, bạn có thể sử dụng dịch vụ giặt là. Tuy nhiên, các cửa tiệm giặt là ngày nay thường dùng hóa chất tẩy vết bẩn mạnh, cộng thêm mùi thơm khá nồng, khi vừa giặt xong tốt nhất bạn chưa cho bé chơi ngay mà đem phơi vài nắng cho bay bớt mùi và hóa chất.

Khi giặt thú nhồi bông, hãy chọn những ngày có nắng, hoặc nắng to là tốt nhất để phơi khô nhanh hơn. Thú bông sau khi giặt không được phơi khô nhanh chóng thường có mùi khó chịu và dễ sinh sôi vi khuẩn, nấm mốc.

Thú nhồi hạt xốp: bạn mở một lỗ nhỏ trên con thú ở phần đường may, đổ hết hạt xốp vào 1 cái túi rồi buộc kín. Giặt sạch vỏ bằng xà phòng pha loãng rồi phơi khô. Sau khi phần vỏ khô, bạn lại đổ hạt xốp vào rồi khâu kín lại là xong.

Đồ chơi bằng nhựa: Bạn cho đồ chơi muốn làm sạch vào nước xà phòng và ngâm trong khoảng 5 phút. Bạn có thể dùng xà phòng hoặc nước rửa chén bát. Đồ chơi sau khi được ngâm nước xà phòng thì cần phải chà xát lại cho hết những bụi bẩn cả trên bề mặt và bên trong. Tiếp theo, bạn xả sạch nước xà phòng.

Chuẩn bị hỗn hợp nước khử trùng gồm thuốc tẩy clo và nước. Hòa thuốc tẩy trùng vào nước sạch. Thuốc tẩy hòa tan được xem là an toàn trong việc làm sạch đồ chơi trẻ em vì loại nước này có chứa clo bốc hơi nhanh chóng. Bạn ngâm đồ chơi vào nước có thuốc tẩy khoảng 2-3 phút, sau đó xả sạch và sấy hoặc phơi khô.

Đồ chơi bằng gỗ: Đồ chơi bằng gỗ không nên ngâm nước quá lâu bởi lẽ gỗ ngâm nước dễ mủn và nhanh hỏng. Không những vậy, đồ chơi gỗ ngâm nước cũng không tốt cho sức khỏe bé yêu. Rửa sạch đồ chơi cho trẻ sơ sinh sau khi ngâm không quá 5 phút, rồi đặt phơi khô chúng ở chỗ có không khí khô ráo.

Ti giả, gặm nướu: Những đồ chơi cho bé ngậm ví dụ ti giả, đồ ngậm cho bé ngứa lợi… bạn lại càng nên giữ vệ sinh cẩn thận. Bất kỳ lúc nào đồ chơi rơi xuống đất, bạn cũng cần tiệt trùng bằng nước sôi trước khi đưa trở lại vào miệng của bé.

Phát hiện 13 cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em kém chất lượng

Qua kiểm tra 15 cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em tại 8 huyện, thị xã, thành phố, Đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh Phú Yên phát hiện 13 cơ sở vi phạm ghi nhãn hàng hóa và công bố hợp quy.

tre-em-130928.jpg

Sau khi lấy 5 mẫu đồ chơi trẻ em để kiểm tra chất lượng, kết quả có 60% mẫu không đạt chất lượng sản phẩm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em, gồm các loại đồ chơi thú nhún, robot xếp hình, xe thỏ 3 bánh được cung cấp bởi các cơ sở tại TP Hồ Chí Minh. Đoàn thanh tra đã phạt cảnh cáo, buộc các đơn vị phân phối thu hồi các sản phẩm vi phạm.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng và địa phương tập trung lực lượng đấu tranh ngăn chặn tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa từ nay đến Tết Nguyên đán. Đặc biệt chú ý đến các tuyến, địa bàn xung yếu và các mặt hàng trọng điểm, tiêu dùng nhiều vào dịp cuối năm như rượu, bia, thuốc lá, gia súc, gia cầm, quần áo may sẵn; các mặt hàng cấm như pháo, đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực; ngăn chặn hiệu quả tình trạng xuất lậu khoáng sản, nhập lậu xăng dầu…

Vẫn bán đồ chơi trẻ em bị cấm





Nằm trong khuôn viên siêu thị Sài Gòn (Satra Mart) đường 3 Tháng 2, Q.10, TP.HCM, gian hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em, đồ lưu niệm SURI vẫn bày bán các loại đồ chơi trẻ em bạo lực bị cấm. Theo quan sát của chúng tôi, hơn chục khẩu súng nhựa các loại được bày ngay trong tủ kính để khách hàng lựa chọn.

Đặc biệt, ngoài những khẩu súng lục, súng bắn nước, gian hàng này còn bày bán loại súng bắn đạn nhựa dài gần 1m, kiểu dáng giống hệt súng thật, kèm với những bịch đạn bi nhựa đặc ruột. Được biết những loại súng đồ chơi này có khả năng gây tổn thương lớn vì sức công phá mạnh. Tất cả sản phẩm đồ chơi này đều không được dán tem kiểm định chất lượng CR theo quy định vẫn được bày bán với giá 85.000-250.000 đồng/sản phẩm. Khảo sát tại một số điểm bán đồ chơi trẻ em ở Q.5, Q.6, Q.8... sản phẩm đồ chơi trẻ em thú nhún bị cấm lưu hành trên thị trường do chứa chất gây rối loạn sự phát triển của trẻ nhưng vẫn được bày bán tràn lan.
Theo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, các loại hàng thuộc danh mục hàng cấm nhập bị phát hiện liên tục tăng. Trong quý 3, có 124 vụ (tăng 83 vụ so với cùng kỳ năm trước) vận chuyển, kinh doanh hàng cấm bị kiểm tra, phát hiện. Đặc biệt, mới đây đội quản lý thị trường 6B kiểm tra điểm chứa hàng tại đường Hậu Giang (Q.6) phát hiện hàng ngàn khẩu súng bạo lực nhập lậu. Tất cả hàng hóa đều có xuất xứ từ Trung Quốc, đơn vị đã thực hiện tiêu hủy theo quy định.

Nhựa gia dụng Việt Nam chiếm ưu thế trên thị trường

Các sản phẩm nhựa gia dụng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất hiện chiếm đến 90% thị phần nội địa.
Theo báo cáo thống kê của Bộ Công Thương về tình hình sản xuất kinh doanh của ngành nhựa trong 9 tháng đầu năm 2013, các sản phẩm nhựa gia dụng được sản xuất trong nước đã chiếm ưu thế so với các sản phẩm nhựa nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan.
Để đạt được kết quả này, Bộ Công Thương cho rằng, thời gian qua các doanh nghiệp nhựa đã tận dụng tốt phong trào kêu gọi Người Việt dùng hàng Việt và đưa ra các sản phẩm chất lượng tốt, dịch vụ hậu mãi chu đáo cho người tiêu dùng cũng như thường xuyên tham gia các hội chợ trong nước đã giúp người tiêu dùng tiếp cận với sản phẩm dễ dàng hơn.
Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nhựa ở TPHCM cho biết,  sản phẩm nhựa trong nước chiếm 90% thị phần là phản ánh được nỗ lực của các doanh nghiệp trong ngành trong thời gian qua.
“Chúng tôi không có con số chính xác về thị trường nội địa, nhưng so với cách đây 5 năm, sản phẩm nhựa gia dụng của các doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm được hơn 50%  thị phần, hiện tại co số này đã tăng lên đáng kể”, vị giám đốc nói trên, phân tích.
Thế mạnh của sản phẩm trong nước là giá rẻ hơn các sản phẩm nhập ngoại từ 20% đến 30% với chất lượng tương đương, do các doanh nghiệ đã đầu tư vào máy móc công nghệ để tăng khả năng cạnh tranh với hàng nhập ngoại. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trước đây chỉ chú trọng đến xuất khẩu mà ít quan tâm đến thị trường nội địa. Cuộc khủng hoảng kinh tế trong thời gian qua đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp quay trở lại khai thác thị trường nội địa.
Theo ông Võ Văn Đức Tám, Giám đốc doanh nghiệp Nhựa Chợ Lớn, thị trường trường nhựa gia dụng trong nước vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, ngoài sản phẩm nhựa gia dụng trong gia đình, các sản phẩm đồ chơi cho trẻ em cũng đang hút hàng ở thị trường nội địa. Người tiêu dùng ngày càng tìm đến các sản phẩm nhựa trong nước với niềm tin an toàn hơn các sản phẩm nhập khẩu, cũng là cơ hội để doanh nghiệp nhựa trong nước phát triển.

Đổ xô đi thuê đồ chơi "xịn" cho con

Trẻ nhỏ rất thích có nhiều đồ chơi đẹp nhưng không phải bậc cha mẹ nào cũng có thể đáp ứng, bởi tính “cả thèm chóng chán” của chúng cùng với giá của nhiều loại đồ chơi quá đắt.
Nắm bắt xu thế chung đó, nhiều cửa hàng đồ chơi đã quay sang cho thuê với giá rẻ thay vì ngồi “dài cổ” mà chẳng ai ngó tới.

Với tâm lí đồ rẻ nhanh hỏng, đồ đắt tiếc tiền, nhiều bậc phụ huynh đã “đổ xô” đi thuê đồ chơi cho con. Gặp anh Tiến - một khách hàng đang xách chiếc xe cẩu khá to từ cửa hàng bán đồ chơi trên đường Nguyễn Trực (Huyền Kỳ - Hà Đông, Hà Nội) đi ra, anh cho biết: “Con trai tôi được hơn 4 tuổi, cháu có rất nhiều đồ chơi. Hôm gia đình cho cháu đi siêu thị Co.op mart mua sắm, nhìn thấy chiếc xe cẩu có thể ngồi lái, phát ra âm thanh vui nhộn, cháu khóc đòi mua. Hỏi giá mới biết gần 5 triệu, đắt quá. Thấy người bạn cùng cơ quan mách nước, tôi mới biết đường đến đây thuê, giá thuê có 60 nghìn/tuần. Cháu tha hồ chơi, chán lại trả lại, khỏi phải bỏ ra một khoản tiền lớn để mua”.
 
Người lớn khi mua, thuê đồ chơi về cũng phải để tâm đến con cái, chơi cùng con là biện pháp tốt nhất làm tăng giá trị của những món đồ chơi này. Ảnh minh họa
Cũng chính bởi vậy mà chỉ cần gõ cụm từ “thuê đồ chơi trẻ em”, lập tức google trả về hàng nghìn kết quả liên quan. Dịch vụ này thu hút đông đảo sự chú ý của các bậc cha mẹ có con nhỏ. Các cửa hàng cho thuê online cũng nở rộ theo, nhận được khá nhiều lời nhận xét tích cực từ phía khách hàng.
Đa số đồ chơi cho thuê đều là đồ bền, đẹp, xuất xứ từ Mỹ, Đức, Nhật… Khi mua mới, rẻ cũng vài trăm nghìn, đắt lên đến hàng triệu. Trẻ nhỏ chưa biết giữ, lại nhanh chán, cộng thêm nhiều hộ gia đình diện tích nhỏ, không thể chứa được nhiều loại đồ chơi nên dịch vụ này khi mới xuất hiện đã trở thành chủ đề “hot” để các bà mẹ rỉ tai nhau.
Chị Trà My - chủ cửa hàng bán và cho thuê đồ chơi trẻ em trên đường Hoàng Quốc Việt, Nghĩa Tân, Cầu Giấy cho biết: “Cửa hàng mở đã lâu nhưng tình hình kinh tế ngày một khó khăn, thỉnh thoảng mới có vài bậc cha mẹ ghé vào mua đồ chơi cho con. Nhiều đồ chơi như xe ô tô điện điều khiển từ xa, bộ đồ chơi nước, lều bóng, hầm chui hình sâu… có giá dao động từ 3 – 5 triệu đồng, trẻ nhỏ rất thích nhưng cha mẹ “không thích”.
Nhiều bậc phụ huynh cho con vào mua đồ chơi nhưng lại dắt con ra vì món đồ đó vượt túi tiền của họ, thấy các cháu khóc lóc, nhìn rất thương. Tôi đã chuyển sang cho thuê theo tuần hoặc theo tháng. Từ ngày cho thuê, cửa hàng tấp nập hẳn lên”.
Mặc dù các loại đồ chơi mua mới có giá rất “cứng” nhưng khi cho thuê giá lại rất “bèo”. Một tháng chỉ cần bỏ ra 200 nghìn đồng, các bà mẹ có thể cho con chơi đủ các loại đồ chơi, trẻ sẽ không chán. Tuổi thơ của trẻ nhỏ cần có những khoảnh khắc đẹp, được chơi vui vẻ, hồn nhiên sẽ giúp trẻ phát triển rất nhiều.
Tuy nhiên, hiện nay có nhiều bậc cha mẹ đang đổ thừa trách nhiệm chăm sóc con cái vào đống đồ chơi vô tri vô giác. Do tiếp xúc với đồ chơi quá nhiều, ít được cha mẹ nâng niu, trò chuyện, nhiều trẻ nhỏ dễ mắc chứng bệnh tự kỷ, sợ nói chuyện với người khác, không tự tin trước đám đông… Vì thế, theo lời khuyên của các nhà tâm lý, người lớn khi mua, thuê đồ chơi về cũng phải để tâm đến con cái, chơi cùng con là biện pháp tốt nhất làm tăng giá trị của những món đồ chơi này.

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Trò chơi giúp trẻ 1-6 tuổi phát triển trí tuệ

Lên một tuổi, trẻ đã biết đi, sử dụng đồ vật và biết nói nên luôn tò mò khám phá thế giới xung quanh. Cha mẹ có thể cùng trẻ đọc sách, làm quen với chữ cái, các con số và màu sắc…
Việc cùng chơi với con trẻ sẽ giúp làm thắm thêm tình cảm gia đình. Ảnh: TT.

1. 1-3 tuổi
Ở lứa tuổi này, trẻ đã biết đi, biết sử dụng đồ vật, biết nói. Chúng luôn tò mò khám phá thế giới xung quanh mình nên hay đặt câu hỏi vì sao, như thế nào, là gì... Đây cũng là giai đoạn diễn ra cuộc “khủng hoảng tuổi lên 3”, đôi khi trẻ tỏ ra bướng bỉnh, cáu gắt. Những đứa trẻ lên 3 rất thích được khen và được người khác thừa nhận cái tôi của mình.
Dựa vào đặc điểm phát triển trên, cha mẹ có thể tổ chức các trò chơi giúp trẻ phát triển thể chất và trí tuệ như:
- Trò chơi mang tính khám phá: Đọc sách, làm quen với chữ cái, các con số và màu sắc…
- Trò chơi mô phỏng: Làm việc nhà, đóng kịch, hát…
- Trò chơi mang tính sáng tạo: Xếp hình, lắp ghép, hóa trang, nặn đất sét, tô màu.
- Trò chơi vận động: Tập đi xe lắc và xe đạp 3 bánh. Có thể khuyến khích trẻ nhảy và lắc mình theo những điệu nhạc sôi động.
Có thể sử dụng một số loại đồ chơi thích hợp với từng dạng hoạt động:
- Trò chơi phát triển thể chất: Có thể bố trí những quả bóng nhựa để trẻ chạy, đuổi bắt; ôtô, tàu hỏa nhựa có thể di động được; các loại xe ba bánh cho trẻ đẩy, đạp, vận động ngoài trời...
- Phát triển trí tuệ: Đất nặn, giấy bút cho trẻ vẽ nguệch ngoạc; các đồ chơi hình hộp để trẻ lắp ghép, đặc biệt đồ chơi hình khối bằng gỗ…
- Phát triển tình cảm: Các con vật xinh xắn bằng nhựa, điện thọai giả, gỗ hay búp bê bằng vải... để trẻ ôm ấp, bắt chước người lớn chăm sóc, yêu thương, hướng đến tình yêu và trách nhiệm...
2. 3-5 tuổi
Đây là giai đoạn khả năng tư duy và ngôn ngữ phát triển mạnh. Ý thức của trẻ tuy chưa hoàn thiện nhưng đang trong giai đoạn hình thành. Chúng có thể biết và thể hiện sắc thái, cảm xúc khá chính xác, có thể tự chăm sóc bản thân. Trẻ 3-5 tuổi khá nhanh nhẹn, thích vận động và chạy nhảy, thích bắt chước người lớn và muốn chứng tỏ mình đã lớn.
Một số trò chơi thích hợp đối với lứa tuổi này:
- Đọc sách.
- Đóng vai.
- Oẳn tù tì.
- Nhảy lò cò.
- Thả diều.
- Đi xe đạp.
- Xếp hình.
- Tập đếm, nhận biết màu sắc, con số, chữ cái.
3. 5-6 tuổi
Ở giai đoạn này, trẻ phát triển nhanh về mọi phương diện. Ý thức cái tôi phát triển mạnh nên chúng luôn muốn mình ở vị trí trung tâm. Trẻ cũng rất nhạy cảm. Đặc biệt đây là giai đoạn bản lề chuẩn bị cho bé vào lớp 1.
Một số dạng trò chơi phù hợp giúp trẻ phát triển toàn diện như:
- Đi dã ngoại, khám phá thế giới tự nhiên.
- Các trò chơi thủ công: Cắt dán, nặn đất sét, gấp máy bay, cắt quần áo cho búp bê…
- Đi xe đạp.
- Chơi đóng vai theo chủ đề.
- Tập đếm và toán học: Que tính, bàn tính…
- Giúp mẹ một số công việc nhà phù hợp.
- Chơi các loại nhạc cụ…