Trang

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Thị trường đồ chơi trẻ em: "Sốt" đồ chơi ăn theo phim

Nếu như những năm trước đây, thị trường đồ chơi trẻ em chỉ thuần túy là những bộ xếp hình, ô tô, máy bay, búp bê... thì nay, trào lưu đồ chơi ăn theo những bộ phim được công chiếu trên kênh thiếu nhi Bibi đang trở nên “hút khách”.

Đồ chơi rô bốt trái cây từng làm trẻ em mê mẩn
Bibi có phim gì, thị trường đồ chơi có sản phẩm đó
Hơn một năm trước đây, "cơn lốc" rô bốt trái cây ăn theo phim trên kênh Bibi đã làm trẻ em mê mẩn. Nhiều trẻ em đã "ăn", "ngủ", "chơi" cùng rô bốt trái cây. Cơn lốc qua đi, giờ đây nhường lại cho những món đồ chơi mới theo từng bộ phim hay game trên kênh truyền hình dành cho thiếu nhi Bibi.
Nắm bắt được thị hiếu của trẻ nhỏ, các cửa hàng bán đồ chơi trẻ em đều bày bán những món đồ chơi này. Nếu như trước đây, phải mất vài trăm nghìn mới có thể mua được một chiếc ô tô đồ chơi, máy bay... thì hiện nay, chỉ cần từ vài chục đến hơn 100.000 đồng là người mua có thể sở hữu sản phẩm này. Tuy nhiên, dù giá rẻ như vậy, nhưng loại đồ chơi này vẫn rất ế ẩm. Tại cửa hàng số 301, phố Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội, chủ cửa hàng cho biết, hàng bán chạy nhất hiện nay là các loại đồ chơi được giới thiệu trên kênh Bibi như: bộ xếp hình ninja, biệt đội siêu nhân, chiến cơ siêu hạng, con quay Tosy... Giá bán giao động từ hơn 10.000 đồng đến hơn 300.000 đồng/sản phẩm.
Không chỉ các cửa hàng đồ chơi ở quận Long Biên bày bán các đồ chơi đó, mà tại các cửa hàng trên phố Lương Văn Can, Hà Nội cũng cực kì nhạy bén trong việc đoán biết thị hiếu trẻ em. Để phục vụ nhu cầu của các "thượng đế nhí", hầu như cửa hàng nào trên phố này cũng có đủ loại đồ chơi, đặc biệt là các loại đồ chơi ăn theo kênh truyền hình đang gây “sốt”, chỉ riêng bộ xếp hình ninja mà cũng có tới 5-7 loại, giá từ 35 đến hơn 100.000 đồng/bộ, bộ càng đắt tiền thì càng có nhiều mô hình.
Xu hướng mua đồ chơi theo phim còn thịnh hành hơn ở các cửa hàng đồ chơi ngay tại cổng các trường tiểu học, tại các cửa hàng này, loại đồ chơi nào cũng có. Theo một chủ cửa hàng trước cổng trường tiểu học Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội trẻ em thường trao đổi với nhau về những món đồ chơi mà chúng thích, bởi vậy, hiệu ứng từ kênh truyền hình Bibi khiến cho cửa hàng này bán đồ chơi rất chạy. Riêng bộ chiến cơ siêu hạng, ngày cao điểm bán được gần 30 bộ. Có thể nói, hễ kênh Bibi chiếu phim nào là thị trường đồ chơi lại tràn ngập các sản phẩm ăn theo, người tiêu dùng chỉ biết móc túi để chiều theo những ý thích của trẻ nhỏ.
Khó quản lý đồ chơi ở cửa hàng nhỏ lẻ
Dù quy định về dán tem hợp chuẩn CR cho tất cả đồ chơi trẻ em có hiệu lực từ ngày 15/9/2010, nhưng cho đến nay, chỉ những cửa hàng lớn hoặc các siêu thị mới chấp hành tốt việc này. Còn vào bất kì cửa hàng nhỏ lẻ nào, người mua hàng phải tìm mỏi mắt mới thấy được một sản phẩm có dán tem hợp quy chuẩn. Ở nhiều cửa hàng, chỉ khi khách hàng hỏi đồ chơi có dấu kiểm định chất lượng, thì người bán cũng đưa ra một vài sản phẩm để “làm chứng”.
Nhiều phụ huynh mua đồ chơi cho con theo ý thích mà bỏ quên vấn đề an toàn
Một điều dễ nhận thấy ở những cửa hàng nhỏ lẻ, hay những quầy hàng ở trong chợ dân sinh hoặc cửa hàng ở cổng trường, 100% những đồ chơi được bán ở đây đều không có dấu hợp quy. Điều đáng nói là, người dân hầu như rất thờ ơ về vấn đề này. Khi mua sản phẩm, hầu như không có ai quan tâm đến tem CR mà chủ yếu mua đồ chơi theo ý thích của trẻ nhỏ.
Theo đại diện Đội quản lí thị trường số 1, Chi cục quản lí thị trường Hà Nội, dù lực lượng quản lí thị trường có cố gắng đến đâu, nhưng để xử lí dứt điểm việc chấp hành dán tem hợp chuẩn là điều rất khó thực hiện. Bởi để đối phó với các lực lượng chức năng, các tiểu thương chỉ bày bán rất ít, với số lượng hàng như vậy, quy định xử phạt chỉ là hành chính, không đủ sức dăn đe.
Ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), cho biết cơ quan này chỉ kiểm tra chất lượng và dán tem hợp chuẩn cho những đồ chơi được nhập theo đường chính ngạch. Tuy nhiên trên thị trường hiện nay, có đến gần 90% là đồ chơi được nhập theo đường tiểu ngạch, bởi vậy, rất khó quản lý. Bên cạnh ý thức người bán và người mua chưa cao thì chế tài xử phạt nhẹ, không đủ răn đe, dẫn đến việc, thị trường đồ chơi vẫn còn nhiều đồ chơi không hợp chuẩn.
Sự nguy hại từ đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc đã được thế giới cảnh báo, nhưng dường như người tiêu dùng Việt Nam vẫn rất thờ ơ. Nâng cao nhận thức người dân nhận biết các sản phẩn đạt chuẩn về chất lượng cùng với việc xử phạt mạnh tay đối với các đơn vị, cá nhân không tuân thủ những quy định về kinh doanh đồ chơi trẻ em sẽ là công việc phải làm ngay của cơ quan chức năng trong thời gian tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét