Trang

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Thị trường đồ chơi gỗ công nghiệp: Còn nhiều dư địa

Với xu hướng sản phẩm đồ chơi trẻ em chuyển từ đơn thuần để vui chơi sang vừa chơi vừa tư duy, phát triển trí tuệ, nhu cầu tiêu thụ đồ chơi gỗ những năm qua tại VN đã nhanh chóng tăng cao, nhưng cho đến nay mới chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu thị trường này.


Đồ chơi gỗ hiện nay vẫn chủ yếu nhắm vào khách hàng thu nhập trung bình khá trở lên
ở các thành phố, chứ chưa đến được với vùng nông thôn
Theo số liệu thống kê, hiện mỗi năm tổng doanh thu của ngành đồ chơi gỗ trên toàn thế giới đạt từ 10-15 tỷ USD. Vị trí dẫn đầu của mặt hàng này hiện nay là Trung Quốc, chiếm lĩnh khoảng 85% thị phần toàn thế giới. Tiếp đó là các nước Đức, Thái Lan, Ấn Độ. Với khoảng 20,8 triệu trẻ em độ tuổi từ 0-12, VN được đánh giá là thị trường tiềm năng cho ngành công nghiệp đồ chơi trẻ em, nhất là khi mức sống ngày càng được cải thiện. Song tại thị trường trong nước, sản phẩm đồ chơi gỗ xuất xứ Trung Quốc đang chiếm đến 70% và hấp dẫn mạnh mẽ bởi sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại và giá rẻ.
Xa thị trường nông thôn
Lãnh đạo một DN sản xuất đồ chơi gỗ  tại Hà Nội cho biết, sản xuất đồ chơi gỗ cần khá nhiều nhân công với nguồn nguyên liệu chính là gỗ cao su và gỗ thông. Tuy nhiên, do gỗ thông của VN chứa khá nhiều dầu nên các DN vẫn phải nhập gỗ này từ Australia và New Zealand. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến giá thành sản phẩm đồ chơi VN thường cao hơn các sản phẩm cùng loại được sản xuất từ Trung Quốc từ 10 - 15%. Ví dụ, cùng chiếc bảng gỗ do Trung Quốc sản xuất có giá 25.000 đồng,còn sản phẩm do VN sản xuất lên tới 40.000 đồng.
Theo các chuyên gia, đồ chơi gỗ đòi hỏi phụ huynh phải chơi cùng trẻ để hướng dẫn cho trẻ. Thêm vào đó, đồ chơi gỗ không có nhiều tính năng như đồ chơi nhựa, không có đèn sáng nhấp nháy, âm thanh vui tai, nút điều khiển… nên cũng là một hạn chế khi ra thị trường.
Thực tế cho thấy, đồ chơi gỗ hiện nay vẫn chủ yếu nhắm vào khách hàng thu nhập trung bình khá trở lên ở các thành phố, việc mở rộng thị trường tới nông thôn quá khó khăn, dẫu rằng ít nhất 70% số trẻ em VN sống ở đó.
Chọn lối nào?
Theo kết quả nghiên cứu mà Cty CP thương mại dịch vụ Nkind vừa công bố, các sản phẩm đồ chơi, thời trang dành cho trẻ em có giá trị lên tới 1,1 tỉ USD. Còn một nghiên cứu gần đây liên quan đến các mặt hàng dành cho trẻ em của Cty Nghiên cứu thị trường FTA cũng đưa ra con số có đến 52% bà mẹ được hỏi cho biết họ ưu tiên chọn đồ chơi sản xuất trong nước. Như vậy, cơ hội cho các DN trong nước là rất lớn.
Cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho các DN tham gia sản xuất đồ chơi trẻ em an toàn, trí tuệ...
Theo các chuyên gia, để ngành đồ chơi giáo dục VN phát triển, đến được nhiều đối tượng khách hàng, đặc biệt là khách hàng nông thôn thì mô hình liên kết kinh doanh là thích hợp giữa các DNNVV. Thêm vào đó, các DNVN cần mở rộng mạng lưới hàng hóa qua các kênh truyền thống là chợ, cửa hàng tạp hóa ở các vùng tỉnh lị, nông thôn, thay vì chỉ tập trung vào kênh siêu thị, cửa hàng sách tại các TP lớn như hiện nay.
Chiến lược sản xuất kinh doanh cũng là điểm cần chú ý đối với các DN trong nước. Theo đánh giá của các chủ cửa hàng đồ chơi trên thị trường, hầu hết các loại đồ chơi hot trên thị trường hiện nay đều ăn theo phim ảnh, đánh vào tâm lý trẻ con mê phim hoạt hình. Trước đây là bộ Yoyo, sau này có robo trái cây và hiện là huyền thoại sân cỏ GGO, đều là dạng sản phẩm ăn theo phim hoạt hình… Tuy nhiên, khi phim ngừng chiếu trên các kênh thì lượng tiêu thụ đồ chơi trên thị trường sẽ giảm như trường hợp robo trái cây hiện nay. Chưa kể độ rủi ro truyền thông khá cao, như phim hoạt hình Robo Trái cây vừa qua đã chịu phản ứng tiêu cực vì lý do nội dung bạo lực…
Nhưng có lẽ, trong bối cảnh hiện nay, cũng cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho các DN tham gia thị trường này để mang lại những sản phẩm an toàn, hữu ích cho sự phát triển trí tuệ của trẻ em, để DN sản xuất đồ chơi trong nước có thể khẳng định được vị thế trên thị trường và cạnh tranh được với hàng ngoại nhập.

2 nhận xét: